Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
86087
 Xã Thành yên là một xã miền núi của huyện Thạch Thành, nằm cách thị trấn khoảng 28km về phía Tây Nam trên trục đường 523 và cách đường HCM 10km; là cửa ngõ Tây Bắc quan trọng, tiếp cận gần với rừng Quốc gia Cúc Phương.  xã có 5 thôn, dân số 3359 Người với tổng diện tích tự nhiên là 4433.82 ha. Mật độ dân số 190 người/km2, Đặc điểm là địa hình miền núi, có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông lâm nghiệp và các loại hình dịch vụ  thương mại khác. 

Là một xã có kinh tế Nông - lâm nghiệp là chủ yếu, thực tế trong những năm vừa qua, trên các lĩnh vực Kinh tế - Văn hoá - Xã hội ...vv thuộc địa bàn nông thôn nói chung, trên địa bàn xã Thành Yên nói riêng đã được các cấp các ngành từ TW đến địa phương hết sức quan tâm, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã, bằng những cơ chế chính sách, các quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch quản lý phù hợp, và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...vv.

Vì vậy Thành Yên ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới.

Hàng năm, ngân sách nhà nước, địa phương, các nguồn tài trợ xã hội, và của nhân dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong xã ngày càng nhiều, đặc biệt là việc tự đầu tư xây dựng nhà ở và các cơ sở kinh tế của nhân dân là rất lớn. Trong khi đó chúng ta chưa có một công cụ quản lý một cách thích ứng và đồng bộ. các điểm dân cư thôn làng; các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các công trình văn hoá, phúc lợi công cộng trong quá trình xây dựng vẫn mang tính chắp vá , ..v.v.... Hiệu quả sử dụng công trình không cao; bộ mặt kiến trúc, cảnh quan nông thôn chưa được khang trang; môi trường sinh thái còn bị ô nhiễm, nhiều thôn làng ăn ở còn chưa hợp vệ sinh...vv. 

Vì vậy, việc nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Thành Yên là việc làm rất thiết thực. Đó là căn cứ  pháp lý quản lý và nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương. Là cơ sở lập các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình phúc lợi, văn hoá - xã hội, các cơ sở sản xuất. Sắp xếp tổ chức tốt điều kiện ăn ở sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Làm cơ sở khoa học và pháp lý để chính quyền địa phương quản lý và điều hành sử dụng đất đai có hiệu quả. Khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai, lao động của địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống xã hội.

* Vị Trí địa lý:

- Xã Thành Yên nằm ở phía Bắc huyện Thạch Thành (so với trung tâm huyện), cách thị trấn huyện lỵ khoảng 28km, cách đường HCM 10km; là một xã thuộc chương trình 134, là cửa ngõ phía Bắc của huyện, tiếp cận gần với rừng Quốc gia Cúc Phương. Thuận lợi cho xã trong việc giao lưu kinh tế xã hội với các vùng miền trong huyện và trong tỉnh Thanh Hóa.

- Xã  Thành Yên có vị trí :

+ Phía Tây giáp  xã Thành Mỹ;

+ Phía Đông giáp tỉnh Ninh Bình;

+ Phía Bắc giáp Rừng Cúc Phương

+ Phía  Nam giáp  xã Thành Vinh, Thành Minh, Thành Mỹ;

- Xã Thành Yên có điều kiện khai thác hiệu quả về tiềm năng đất đai, giao lưu hàng hoá với các xã, vùng lân cận và thích ứng với nền kinh tế thị trường, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của xã trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai được bền vững.

* Địa hình địa mạo:

Xã Thành Yên là một vùng đồi núi nên địa hình rất phức tạp, bởi núi đá, núi đất xen kẽ nhau nên được chia thành 3 vùng

Vùng vàn cao chiếm 50%;

Địa hình vàn thấp chiếm 40%;

Địa Hình thấp chiếm 10%;

Mặc dù địa hình chia nhiều cấp nhưng độ chênh lệch không lớn lắm nên rất thuận lợi cho việc bố trí các loại cây trồng thích hợp.

* Điều kiện khí hậu - thuỷ văn:

a- Điều kiện khí hậu:

Thời tiết khí hậu xã Thành Yên có các đặc trưng của vùng khí hậu trung du, miền núi tỉnh Thanh Hoá; chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều. Thời tiết trong năm chia ra làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10; mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Số liệu tại trạm quan trắc khí tượng tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2000 – 2010 như sau:

- Nhiệt độ:

Do được thừa hưởng chế độ bức xạ mặt trời nhiệt đới đã dẫn đến một nền nhiệt tương đối cao. Tổng nhiệt độ bình quân trong năm khoảng 8600℃ – 8700℃, Tổng giờ nắng trong năm khoảng 1750 giờ, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23℃ -27℃ chia thành 2 mùa rõ rệt:

Mùa hè: Từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ bình quân 27℃ - 36℃, cao nhất là 39℃

Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ bình quân 15℃ - 23℃, thấp nhất 8℃

- Mưa: Vùng Thạch Thành có mưa rào trong thời gian ngắn, với lượng mưa nhiều khi vượt quá 200 mm/ngày. Đối với Thành Yên cũng vậy mùa mưa lớn thường xảy ra vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9.

Tổng lượng mưa trung bình năm: 1.600 – 1.900mm; riêng vụ mùa chiếm khoảng 86%– 88% lượng mưa cả năm;

Lượng mưa trung bình cao nhất: 334 mm vào tháng 9 hàng năm;

Lượng mưa trung bình thấp nhất: 27 mm vào tháng 12 hàng năm;

Số ngày mưa trong năm cộng dồn 149,0 ngày;

Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chiếm 12-14% cả năm, mùa này thường hanh khô và nứt nẻ đồng ruộng, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nhân dân.

- Độ ẩm không khí:

Trên thực tế độ ẩm phụ thuộc chủ yếu vào độ cao tọa độ địa lý, càng lên cao độ ẩm tuyệt đối càng giảm:

Độ ẩm không khí trung bình các tháng trong năm dao động 83 - 88%.

Độ ẩm không khí trung bình cả năm 85%.

Đặc biệt vào những tháng có gió Phơn Tây Nam khô nóng (tháng 5-7), độ ẩm không khí tối thấp tuyệt đối xuống rất thấp (62% tại tháng 7); Đồng thời trong thời gian gió Tây Nam phát triển mạnh lượng bốc hơi nước rất nhanh (79,5-85,8mm vào tháng 5; 6; 7). Đây là yếu tố cực đoan đối với  cây trồng, vật nuôi của vùng quy hoạch; trong quá trình sản xuất nông, lâm nghiệp cần quan tâm đến thời điểm này làm cơ sở để xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất.

d- Gió bão:

Hướng gió : Gió mùa Đông Bắc thổi vào mùa đông, thổi theo đợt, mỗi đợt kéo

dài 3 - 4 ngày, tốc độ gió trung bình cấp 3, cấp 4. Vào mùa đỉnh điểm (tháng 12; 1; 2) tốc độ gió cao nhất có thể lên đến cấp 7; 8. Đặc điểm thời tiết khi có gió mùa Đông Bắc thường kéo theo mưa phùn, đây là điều kiện thuận lợi cho cây trồng nông nghiệp, song đối với cây trồng lâm nghiệp sẽ hạn chế quá trình quang hợp, hạn chế khả năng sinh trưởng, phát triển và khả năng ra hoa kết quả của cây trồng.

Gió Đông Nam thổi vào mùa hè vào tháng 6, 7, 8 hằng năm theo từng đợt 2 - 3 ngày có khi kéo dài vài tuần lễ. Đây cũng là gió thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt vào mùa hè xuất hiện gió Tây Nam khô, nóng thổi từ tháng 5 đến tháng 7. Khi có gió Tây Nam  nhiệt độ không khí thường lên cao, khô và nóng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng vật nuôi.

Tốc độ gió trung bình trong năm từ 1.5 – 1.8 m/s.

Bão : Xã Thành Yên thuộc vùng trung du miền núi tỉnh Thanh Hoá: từ tháng 5-10 phải hứng chịu 2-3 cơn bão, với sức gió có khi lên tới cấp 11; 12 và giật trên cấp 12 gây nên sự tàn phá nặng nề cho của cải vật chất, con người. Điển hình là cơn bão số 6 tháng 9 năm 1980, cơn bão số 2 ngày 5 tháng 7 năm 1981, gần đây cơn bão số 6; 7 năm 2005 gây thiệt hại lớn cho người dân trong vùng lập quy hoạch. 

Ngoài ra các tháng mùa mưa do lượng mưa lớn tập trung nên dễ gây ngập úng ảnh hưởng tới sản xuất vụ mùa, về mùa Đông tháng 12 và tháng 1 có rét đậm, đôi khi xuất hiện sương muối, sương giá gây khó khăn cho việc làm mạ và gieo cấy vụ chiêm xuân. Nhìn chung, khí hậu và thời tiết phù hợp cho sự phát triển cây lúa cây rau màu và cây lâm nghiệp.

b- Thủy văn:

Ngoài nguồn nước mưa tự nhiên, Thành Yên còn có nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp đựợc lấy từ đập Thành Trung và suối Áng Que. Đây chính là nguồn nước chính cho cả xã, cùng hệ thống kênh mương được trải đều trên địa bàn có khả năng cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

* Các nguồn tài nguyên trong địa bàn xã Thành Yên:

a- Tài nguyên đất:

Số liệu kiểm kê đất đai thời điểm 01/01/2011 như sau:

* Tổng diện tích đất tự nhiên: 4433.82 ha.

- Diện tích đất nông nghiệp: 4232.12 ha;

- Diện tích đất phi nông nghiệp: 185.03 ha

- Đất chưa sử dụng: 16.67 ha.

Phân theo loại đất thì đất đai Thành yên có các loại như sau:

+ Nhóm đất Fralit:  phân bố chủ yếu trên các dãy đồi núi.

+ Nhóm đất đỏ vàng trên phiến đá thạch: Loại đất này chiếm 1/3 tổng diện tích tự nhiên, đây là loại đất thuộc rừng nguyên sinh, ở nơi có địa hình cao, nên trong quá trình rửa trôi sói mòn dẫn đến thành phần cơ giới nhẹ, nhóm đất này có màu vàng đỏ, có độ phì trung bình, có khả năng phát triển cây lâm nghiệp.

+ Nhóm đất xám và đất bạc màu: Được phân bố ở địa hình vàn thấp loại đất này có độ màu mỡ rất thấp, vùng này nếu chúng ta đầu tư thâm canh thì rất phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp như: Mía, lạc.

b- Tài nguyên nước:

Xã có 2 nguồn nước chính:

- Nước mặt: Nguồn nước mặt của xã được cung cấp chủ yếu từ hồ đập và các suối khá dồi dào. Đây chính là nguồn nước cung cấp nước tưới trên địa bàn xã.

- Nước ngầm: Do có địa hình đồi núi thấp, độ che phủ rừng tương đối cao nên hệ thống nước ngầm của xã Thành yên khá phong phú, có chất lượng tốt, trữ lượng lớn được người dân khai thác chủ yếu qua giếng khoan, giếng khơi. Nguồn nước ngầm có vai trò lớn trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn do đó cần được khai thác hợp lí và sử dụng hiệu quả, bảo vệ nguồn nước ngầm tránh tình trạng ô nhiễm.

c- Tài nguyên nhân văn:

Thành yên là một xã có bề dày lịch sử, văn hoá, cách mạng. Thiên nhiên, lịch sử và con người Thành yên đã hoà quyện để tạo nên tính nhân văn sâu đậm.

Trong những năm qua đồng bào kinh, đồng bào mường sinh sống lâu đời bên nhau đã có nhiều con em được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, là nơi sinh ra những con người sáng tạo trong cả chiến tranh lẫn thời bình. Đã tạo dựng lên một đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững chắc.

Người dân nơi đây đã dày công vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần tạo dựng bản sắc văn hoá của một vùng quê nông nghiệp. Đó là sự cần cù chịu khó, tinh thần vươn lên trong lao động sản xuất, yêu quê hương, đất nước, dũng cảm trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Đó cũng thể hiện sức sống, sức sáng tạo của những giá trị văn hoá được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Với truyền thống đó, người dân xã Thành Yên đang thừa kế và phát huy những thành quả đạt được, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trên quê hương Thành Yên.

Ngoài ra trong xã còn có Hang Con Moong hiện nay được công nhận di sản văn hóa Quốc Gia.

d- Tài nguyên rừng;

Tổng diện tích đất lâm nghiệp 3678.32 ha, trong đó đất rừng sản xuất 1132.82 ha, đất rừng phòng hộ 204,5 ha.

Căn cứ vào nguồn gôc phát sinh cũng như thành phần loài cây hiện nay Thành Yên có 2 kiểu rừng:

+ Rừng non hay còn gọi là rừng phục hồi, phân bố rải rác, tập trung xung quanh làng bản. Do được phục hồi sau nương rẫy bỏ hoang nên quy mô về mặt diện tích cũng như tình trạng của rừng, phụ thuộc vào diện tích nương rẫy cũ và thời gian phục hồi. Độ che phủ của rừng khoảng 30% – 40%

+ Rừng trồng chiếm tỷ lệ lớn. Phần lớn diện tích rừng này được trồng từ chương trình 661,KFW4 với các loại cây như: keo, sao đen, trám ... Hiện nay những diện tích này đã được giao cho người dân quản lý.

e- Thực trạng môi trường:

Nhìn chung, xã Thành Yên có môi trường sinh thái tương đối tốt. Đất, nước, cây cối, không khí trong lành. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do sự phát triển mạnh của kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã bắt đầu có sự thay đổi về cảnh quan, môi trường. Hiện tại chưa bị ô nhiễm và chưa phát hiện thấy các nguyên tố gây hại cho sức khỏe con người, dựa vào đó người dân tận dụng lấy nước đưa vào sinh hoạt, và một số hộ đã đưa vào sản xuất trong khu dân cư.

 

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC